Căn H01-L27 Khu A, Khu Đô Thị Dương Nội, Phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Thành Phố Hà Nội.

info@vree.vn

Tiếng Việt Tiếng Anh

Công nghệ đột phá cho phát triển xanh, hiện thực hóa mục tiêu NetZero

15/01/2025

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Chương trình khoa học công nghệ NetZero là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây không chỉ là cơ hội cải thiện chất lượng môi trường mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Ngày 10/01/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND Tp.Cần Thơ và Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học “Triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu NetZero tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

CÔNG NGHỆ XANH VÀ GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH GÓP PHẦN THỰC HIỆN MỤC TIÊU NETZERO

Chương trình khoa học công nghệ Net Zero là một trong những hành động kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ về xây dựng một chương trình quốc gia phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chương trình này không chỉ song hành cùng các chương trình quốc gia hiện có mà còn tập trung vào các giải pháp khoa học công nghệ đột phá, đặc biệt là công nghệ xanh và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Một điểm mới nổi bật của chương trình là phương pháp triển khai dựa trên “tiếp cận từ mục tiêu”, huy động tối đa nguồn lực và trí tuệ từ cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan nhà nước để giải quyết những mục tiêu quốc gia cụ thể.

Chương trình khoa học và công nghệ NetZero đặt mục tiêu phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ xanh trong các ngành, lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...). Cùng với đó đề xuất các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các giải pháp về chính sách, pháp luật thúc đẩy NetZero phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thông qua chương trình sẽ giảm đáng kể phát thải, cải thiện môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong lĩnh vực công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Đây là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở đất và những thay đổi cực đoan về thời tiết. Những thách thức này không chỉ đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế- xã hội và an ninh lương thực của cả nước.

Bộ trưởng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia xây dựng và triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia KC.16/24-30 nhằm phục vụ mục tiêu NetZero. Đây là hành động kịp thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Chương trình Khoa học và Công nghệ NetZero là nền tảng quan trọng thúc đẩy các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

“Đây không chỉ là cơ hội cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Bộ Khoa học và Công nghệ kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và nhà khoa học tiếp tục đồng hành, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp, cụ thể hóa lộ trình và nguồn lực để đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Mặc dù mục tiêu đặt ra đầy thách thức nhưng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tin tưởng với tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, sẽ biến những thách thức này thành cơ hội. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không chỉ là vùng tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu mà còn có nhiều đổi mới, giải pháp phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

GIẢM PHÁT THẢI LÀ MỘT ƯU TIÊN, MỘT MỆNH LỆNH

Theo các chuyên gia, cam kết NetZero là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, bền vững. Là quốc gia đặt tham vọng lớn trong chiến lược NetZero tại Châu Á, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 43,5% lượng phát thải. Do vậy, việc giảm phát thải không chỉ là một ưu tiên mà còn là một mệnh lệnh cấp bách của cả quốc gia.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân là yếu tố then chốt cần được đẩy mạnh.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp.Cần Thơ.

Là đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cả về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp.Cần Thơ cho biết trong thời gian qua, Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính bước ngoặt với định hướng phát triển xanh, nền kinh tế xanh trong khu vực.

“Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái hướng đến phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0,… là những mục tiêu phát triển mà Tp.Cần Thơ hướng tới”, ông Hiển nhấn mạnh.

Năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của thành phố Cần Thơ xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2022. Mới đây, trong khuôn khổ chương trình OPCC 2023- 2024 nhân sự kiện Ngày Môi trường Thế giới, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã trao danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia” năm 2024 cho Cần Thơ vì những nỗ lực mà người dân và chính quyền thành phố đã đạt được.

Là 1 trong 5 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Cần Thơ không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái hướng đến NetZero và đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Thành phố đã xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo và các giải pháp chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: nhận diện các rủi ro ngày càng nghiêm trọng, sụt lún, sạt lở, nước biển dâng, triều cường gây ngập lục đô thị, hạn hán, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...

Để chủ động ứng phó với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, đảm bảo cho các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ngày càng bền vững, ông Hiển cho biết Cần Thơ đã chủ động cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2020- 2030 tầm nhìn đến năm 2050; lồng ghép biến đổi khí hậu vào Kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực; nghiên cứu tiền khả thi về phát triển các giải pháp bảo hiểm rủi ro khí hậu.

Nguồn: vneconomy.vn

Tin tức cập nhậtTin tức liên quan