Tin tức chung
Căn H01-L27 Khu A, Khu Đô Thị Dương Nội, Phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Thành Phố Hà Nội.
Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo - Ảnh minh họa.
Chia sẻ với VnEconomy tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 đang diễn ra tại TP.HCM, Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert, cho biết EuroCham đã đưa ra các sáng kiến hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á chưa có Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Theo ông Bruno Jaspaert, EuroCham hàng năm công bố sách trắng với các khuyến nghị từ 20 Ủy ban ngành để hỗ trợ Việt Nam. “Với vai trò là cầu nối giữa lợi ích của nhà đầu tư và tương lai phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều thay đổi, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững," ông Jaspaert nhấn mạnh.
Việt Nam hiện là điểm đến lý tưởng cho chuỗi cung ứng bền vững. Để tham gia vào chuỗi cung ứng này, các công ty cần tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng cao, mặc dù điều này có thể yêu cầu thời gian và chi phí ban đầu lớn hơn.
Ông Bruno cũng chỉ ra rằng trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt được lợi nhuận nhanh chóng từ các mô hình kinh doanh kém bền vững, nhưng về lâu dài lợi ích sẽ đến từ việc đầu tư vào chất lượng và chứng nhận phù hợp.
Về mặt truyền thông, Chủ tịch EuroCham cũng lưu ý nên truyền tải những câu chuyện thành công từ doanh nghiệp nhỏ, thay vì chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn. “Những doanh nghiệ tuy nhỏ nhưng có thể cạnh tranh và tạo ra sự khác biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu các công ty Việt Nam nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng xanh, họ sẽ đạt được thành công”, Chủ tịch EuroCham nói.
Thêm vào đó, việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quy trình xin cấp phép chưa rõ ràng. Nếu không có quy định cụ thể, nhà đầu tư sẽ gặp trở ngại trong việc triển khai các dự án.
Để khắc phục, Chủ tịch EuroCham đề xuất Việt Nam áp dụng cơ chế định giá năng lượng từ châu Âu để đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng cảnh báo rằng việc duy trì giá năng lượng thấp trong bối cảnh phát triển bền vững là một thách thức lớn. “Chi phí năng lượng đang rất rẻ, vốn là một trong những điểm thu hút FDI của Việt Nam. Nhưng chuyển đổi sang năng lượng sạch thường đắt đỏ. Làm sao vừa sạch hơn mà vẫn giữ giá rẻ để duy trì lợi thế cạnh tranh là bài toán cho Việt Nam”.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham tại Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Bruno Jaspaert dẫn chứng khi chuyển năng lượng tái tạo, giá điện tại Trung Quốc đắt hơn Việt Nam 30% và ở châu Âu thì gấp 3 lần. Do đó, ông đưa ra đề xuất sự hợp tác giữa doanh nghiệp châu Âu và doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là cần thiết, mặc dù có những khác biệt về văn hóa.
Đồng thời, Chủ tịch EuroCham cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để đánh giá tác động môi trường cho các dự án điện gió. Hiện tại, luật pháp Việt Nam không có quy định cụ thể cho các dự án năng lượng, điều này khiến việc triển khai năng lượng tái tạo gặp khó khăn. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống pháp lý minh bạch nhằm thu hút đầu tư, hướng đến phát triển bền vững
“Mặc dù Việt Nam đã có tiến bộ với việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam (PDP8), nhưng mô hình định giá hiện tại vẫn chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Việt Nam cần cải cách luật pháp, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, và làm rõ quy trình cấp phép để thúc đẩy phát triển điện gió, hướng đến Net Zero vào 2050”, Chủ tịch EuroCham Việt Nam khuyến nghị.
EU - với vai trò là một trong những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng tại Việt Nam, thời gian qua đã có những thành tựu nhất định trong việc chuyển đổi xanh như chuỗi canh tác cà phê bền vững của tập đoàn Nestle, nhà máy LEGO của Đan Mạch tại Bình Dương đạt chứng nhận LEED (là giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ)… Và Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng và cần tiếp tục chuyển đổi sang nền kinh tế xanh trong thời gian tới. |
Nguồn: vneconomy.vn
Copyright © 2011-2016.
Website design by ADC Vietnam