Tin tức chung
Căn H01-L27 Khu A, Khu Đô Thị Dương Nội, Phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Thành Phố Hà Nội.
Từ một tỉnh vùng trũng về thu hút đầu tư dọc dải đất miền Trung, Quảng Trị đã bứt lên với hàng chục dự án năng lượng tái tạo, nhiều dự án trong số đó hiện đang được triển khai.
Ngay trong năm nay, Quảng Trị dự kiến có đến 15 dự án điện gió sẽ hòa lưới, đưa tỉnh vững bước trên con đường hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông VÕ VĂN HƯNG - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết tỉnh này đang đứng trước cơ hội bứt phá khi số dự án đầu tư về năng lượng tăng kỷ lục trong những năm gần đây.
* Đâu là cơ sở để Quảng Trị hướng đến một trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung?
- Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có khoảng 377MW các dự án năng lượng tái tạo đã phát điện. Bên cạnh đó, có 29 dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch và đang triển khai đầu tư với tổng công suất hơn 1.100MW.
Trong đó có 15 dự án sẽ đưa vào vận hành trong năm 2021. Đồng thời, tỉnh có 52 dự án điện gió khác đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 2.764MW; 8 dự án điện gió đang triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.670MW.
Ngoài ra, tỉnh có nhiều dự án năng lượng tái tạo khác đã trình Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch.
Tính tổng thể, Quảng Trị có khả năng phát triển được 8.290MW các dự án năng lượng tái tạo nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Đây là cơ sở để Quảng Trị hướng đến một trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung.
Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, một trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế và phấn đấu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung trong thời gian tới.
* Phát triển năng lượng luôn đi kèm với nhiều thách thức về môi trường, vậy chủ trương của tỉnh Quảng Trị trong vấn đề này như thế nào?
- Hiện Quảng Trị đang tập trung phát triển điện gió ở phía tây và điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Điện gió và điện khí có lợi thế là ít có nguy cơ về môi trường hơn những nguồn năng lượng khác.
Nhiều năm trước đây, Quảng Trị có định hướng phát triển nhiệt điện than. Sau đó, nhà đầu tư EGATI từ Thái Lan đã đàm phán và thực hiện các thủ tục đầu tư nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1. Dự án này đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh bây giờ là vấn đề môi trường. Phải thừa nhận nhiệt điện sẽ tốn nguyên liệu than và phí vận chuyển.
Ngoài ra, nguy cơ xảy ra những sự cố, ô nhiễm bụi, phát sinh các vấn đề lâu dài nên việc xử lý không phải đơn giản.
Hiện nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 đã chậm triển khai nhiều năm, nếu trong năm nay phía chủ đầu tư không triển khai thì tỉnh sẽ phải chuyển đổi.
Nếu làm là phải đảm bảo cam kết về công nghệ tiên tiến của châu Âu, nếu không làm được thì phải chuyển cho nhà đầu tư khác triển khai phát triển điện khí.
* Thời gian tới, tỉnh có chiến lược nào mang tính đột phá để thu hút đầu tư?
- Với quan điểm coi hoạt động xúc tiến đầu tư là một nhiệm vụ trọng tâm, để hoạt động xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả, từng bước nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực cũng như cả nước, trong thời gian tới tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung vào một số nội dung sau: thứ nhất, xây dựng và ban hành các chính sách, cơ chế thích hợp để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ trung ương, địa phương và xã hội hóa nhằm từng bước nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh cải thiện hình ảnh, môi trường đầu tư, tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hình ảnh thân thiện, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Thứ hai, tập trung kêu gọi các dự án có quy mô phù hợp với đặc thù địa phương, phát huy tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch và hệ thống truyền tải giải tỏa các công suất nhà máy điện gió tại khu vực huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông.
Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường giao thông. Đặc biệt, coi trọng đầu tư xây dựng phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân phát triển công nghiệp, trong đó tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm như dự án nhà máy điện khí Quảng Trị 340MW của Gazprom International, dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng 1.500MW (giai đoạn 1), dự án Khu công nghiệp Quảng Trị của Liên doanh VSIP - Amata - Sumotomo.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ bổ sung hệ thống ống dẫn khí mỏ Kèn Bầu về Quảng Trị vào tổng sơ đồ điện VIII nhằm sớm đưa Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt, Cảng hàng không Quảng Trị, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây và các công trình giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia.
Trong đó, tôi khẳng định phải đầu tư cảng Mỹ Thủy đón được tàu trên 100.000 tấn. Đây là cảng nước sâu, có nhiều lợi thế, đã được nghiên cứu trước đây.
Một thống kê cho thấy mỗi ngày có 500 - 700 container qua cửa khẩu Lao Bảo nhưng phải đi đường bộ vào Đà Nẵng hoặc qua cảng Chân Mây (Huế).
Doanh nghiệp không muốn chạy 150 - 200km để vào Đà Nẵng. Do đó, nhu cầu xây dựng cảng biển là rất bức thiết. Bên cạnh đó, khi có sân bay, các nhà đầu tư, đơn vị lữ hành, du lịch sẽ chú ý đến Quảng Trị và cảng Mỹ Thủy thì sẽ tạo ra sự kết nối khu vực.
* Cảng hàng không Quảng Trị được xem là động lực phát triển của tỉnh, đến nay tiến độ dự án ra sao thưa ông?
- Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng đưa vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch với chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Quy mô sẽ là sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, công suất 1 triệu hành khách/năm.
Với lượng khách du lịch đến Quảng Trị tăng đều qua các năm và hơn 2 triệu trong năm 2019 cũng như việc gia tăng các nhà đầu tư, các chuyên gia đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại Quảng Trị, thì đây là công trình góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào Quảng Trị.
Mặt khác, việc đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị còn góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới, các đảo, quần đảo khu vực miền Trung và vịnh Bắc Bộ; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông.
Công trình có tính khả thi cao, cần được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định cấp chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư PPP.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch… để nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công trong năm 2021.
Quan điểm của chúng tôi là có thể chọn ít nhà đầu tư, nhưng phải là những nhà đầu tư lớn, có tầm vóc, có khả năng, trên cơ sở sử dụng ít tài nguyên, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều việc làm, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Đây phải là những con sếu đầu đàn để tạo ra xung lực, năng lượng mới cho đầu tư của tỉnh. Hiện đã có những nhà đầu tư tầm vóc như thế đến đây, và đã có dự án du lịch với tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng đã bắt đầu giải phóng mặt bằng.
Theo ông Võ Văn Hưng, bên cạnh các sản phẩm du lịch đã định hình thương hiệu như du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, du lịch DMZ, du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây… Quảng Trị có nhiều "món ngon" có thể mời gọi du khách và các doanh nghiệp đến đầu tư như các bãi biển đẹp, hoang sơ Cửa Việt, Cửa Tùng, Mỹ Thủy.
Đặc biệt, cách đất liền 17 hải lý, đảo Cồn Cỏ - hòn ngọc giữa biển đông những năm gần đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Đây là nơi mà trong một hội nghị phát triển du lịch vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam đặc biệt nhắc đến với nhiều kỳ vọng. Thậm chí ông Tuấn "chọn" luôn Cồn Cỏ là điểm nhấn, là thương hiệu, là sự khác biệt cho du lịch Quảng Trị nếu có hướng khai thác tốt. Đặc biệt là khi có một khu nghỉ dưỡng cao cấp để tạo điểm nhấn.
Thời điểm đó ông Tuấn cũng cho rằng nếu có một nhà đầu tư đẳng cấp thì đảo Cồn Cỏ có thể phát triển thành thiên đường du lịch như Maldivel.
Ở khu vực phía tây của tỉnh có nhiều địa thế rừng, núi, hồ, sông, suối… tạo nên khung cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ. Ngoài ra còn có các hang động, thác nước đồ sộ trải rộng trên khắp địa bàn thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Những năm gần đây, ở địa bàn huyện Hướng Hóa đã hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng như đường hoa dã quỳ, vườn hoa thạch thảo, Bungalow 5 mùa, cánh đồng điện gió ở Hướng Linh…
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng sự phát triển của các loại hình du lịch này đang ở giai đoạn ban đầu, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế. Trong thời gian tới Quảng Trị sẽ huy động hết tất cả các nguồn lực, tích cực triển khai các dự án đối tác công – tư (PPP), kêu gọi doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm gắn với sông suối, hang động, thác nước, đi bộ băng rừng, tham quan các khu tự nhiên ven biển, tour du lịch "Dòng sông huyền thoại", đồng thời có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, farmstay…
Theo ông Hưng, vừa qua nhiều tập đoàn, công ty du lịch lớn đã đến khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư với số vốn đăng ký hàng ngàn tỉ đồng.
Copyright © 2011-2016.
Website design by ADC Vietnam